-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Mèo của bạn ở nhà ngoan lắm, nhưng một khi lẻn được ra ngoài, chúng sẽ trở thành nỗi khiếp sợ của hệ sinh thái
Ngày đăng: 17/03/2024
Mèo của bạn ở nhà ngoan lắm, nhưng một khi lẻn được ra ngoài, chúng sẽ trở thành nỗi khiếp sợ của hệ sinh thái
Những con mèo nhà đi lang thang đang giết chết 110 tỷ động vật mỗi năm, chúng ăn thịt hơn 2.000 loài, bao gồm 347 loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Đừng để đôi mắt to tròn, bộ lông mềm mại và tiếng kêu ngọt ngào của Felis catus đánh lừa bạn. Sinh vật đáng yêu này dành phần lớn thời gian nằm ườn trong ngôi nhà của Homo Sapiens, nhưng một khi lẻn được ra ngoài, chúng sẽ hạ mặt nạ và lộ diện như một sát thủ tàn bạo.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học Australia đã buộc camera vào cổ những con mèo nhà để xem: Khi ra đường, chúng sẽ làm gì? Kết quả cho thấy, cứ 2 ngày được thả rông thì một con mèo sẽ giết và ăn thịt một sinh vật nào đó, từ chim, thằn lằn, nhện cho đến thỏ và rùa biển…
Trung bình, một con mèo nhà có thể giết chết 186 động vật khác mỗi năm. Nhân lên cho 4 triệu con mèo nhà và 6 triệu con mèo hoang – với mức độ tàn sát gấp 4 lần – mỗi năm, chúng đang giết chết hơn 5 tỷ cá thể bò sát, chim và động vật không xương sống các loại.
Và đó mới chỉ là con số tính riêng cho Australia.
Tại Mỹ, nơi có khoảng 60 triệu con mèo nhà và 80 triệu mèo hoang dã, nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications ước tính chừng đó mèo đang giết chết khoảng 22 tỷ động vật mỗi năm. Con số lớn gấp rưỡi được tìm thấy ở Trung Quốc, chỉ tính riêng cho mèo nhà đô thị, mỗi năm, chúng đang giết chết hơn 30 tỷ động vật các loại.
Nếu lấy số lượng nạn nhân trung bình và nhân lên cho ít nhất 600 triệu con mèo đang có mặt trên Trái Đất, Felis catus thực sự là nỗi kinh hoàng cho hệ sinh thái khi cứ 365 ngày trôi qua, chúng sẽ tàn sát hơn 110 tỷ động vật các loại.
Điều đáng nói là các loài động vật này nằm trong một danh sách dài tới hơn 2.000 loài, lần đầu tiên được thống kê đầy đủ và tiết lộ trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications. Trong đó, các nhà khoa học đã tìm thấy 347 loài thuộc danh sách cần bảo tồn và 11 loài thậm chí đã tuyệt chủng.
Nếu bạn cần một so sánh, ngay cả loài người cũng không ăn nhiều như vậy. Thực đơn của chúng ta chỉ gồm 200 loài động vật với số lượng 83 tỷ cá thể bị giết thịt mỗi năm (72 tỷ trong số đó đã là những con gà công nghiệp).
Vậy nên khi so sánh với lũ mèo, những bữa ăn của chúng ta rõ ràng nhàm chán hơn rất nhiều. Thế mà nhiều người nuôi mèo vẫn nghĩ rằng:
Hãy cứ thử hỏi những người nuôi mèo mà xem, đa số họ sẽ nói như vậy. Có người thậm chí còn lo cho sự tồn vong của cả loài Felis catus, vì nếu họ cứ cưng chiều mèo nhà thế này, thức ăn công nghiệp sẽ khiến chúng trở nên mập mạp, ẻo lả và mất đi bản năng săn mồi vốn có.
Thế nhưng họ đã nhầm.
Trong khi những con mèo vào ban ngày chỉ nằm ườn trong ngôi nhà của loài người, một nghiên cứu tại Australia phát hiện gần 40% trong số chúng sẽ lẻn ra ngoài mỗi đêm mà chủ nhân của chúng không hề hay biết.
Khi ở ngoài, những con mèo này sẽ rình rập và tấn công bất cứ con mồi nào mà chúng có thể ăn được, từ bò sát, chim, các loài lưỡng cư như ếch, rắn cho đến động vật có vú như chuột và sóc… Chỉ 15% những con mèo này tha xác động vật về nhà, trong khi 85% còn lại sẽ giấu bữa ăn vụng trộm của chúng ở đâu đó.
Vì lý do này, nhiều người nuôi mèo cứ nghĩ rằng mèo của họ ở nhà rất ngoan. Chúng hài lòng với bữa ăn hạt mà không thèm đi săn mồi ngoài tự nhiên nữa. Nếu các nhà khoa học nói mèo đang giết chóc và tàn phá tự nhiên thì người nuôi mèo sẽ chỉ nghĩ đó là những con mèo hoang chứ không phải mèo nhà họ.
Sự thật là khi phải kiếm ăn trong tự nhiên, một con mèo hoang sẽ cần ăn ít nhất 2 bữa mỗi ngày. Do đó, chúng đang giết chết gần 750 cá thể chim, bò sát và động vật có vú mỗi năm, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Australia.
Con số này gấp 4 lần số lượng động vật bị giết chết bởi mèo nhà phải chịu trách nhiệm.
Thế nhưng, các nhà khoa học cho biết nếu như mèo hoang chỉ sống ở các khu vực hẻo lánh, với mật độ chỉ 3-4 con trên mỗi cây số vuông, cùng bán kính đó, họ có thể tìm thấy từ 40-70 con mèo nhà đang đi săn dưới màn đêm thành thị.
Vì vậy, dù cho mỗi con mèo nhà giết chết ít động vật hơn một con mèo hoang, mật độ xuất hiện lớn của chúng trong đô thị có nghĩa là tổng số lượng nạn nhân của chúng mới là con số vượt trội. Trên mỗi km vuông, mèo nhà đang giết chết số động vật gấp từ 30-50 lần so với mèo hoang.
Sự phàm ăn của mèo nhà trở thành một mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. Ví dụ như ở Australia, một đất nước cứ 4 hộ gia đình thì có một hộ nuôi mèo, và cứ 2 hộ nuôi mèo thì có một hộ sở hữu từ 2 con mèo trở lên.
Thống kê từ 66 nghiên cứu cho thấy trên mỗi 1 km vuông trong khu vực có người dân nuôi mèo, mỗi năm có khoảng 4.000-8.000 cá thể động vật sẽ bị chúng giết chết để ăn thịt. Hệ quả là người dân Australia hiếm khi thấy các loài động vật hoang dã nhỏ xuất hiện xung quanh thị trấn hoặc thành phố.
Nhiều loài động vật bản địa ở lục địa này không có tỷ lệ sinh sản cao đã tuyệt chủng vì mèo. Ví dụ, loài cá đuôi chuông đang bị đe dọa nghiêm trọng đã biến mất ở các khu vực ngoại ô của cả 5 thành phố Mandurah, Bunbury, Busselton và Albany.
Ở phía đông nam New South Wales, lũ mèo đã làm tuyệt chủng một quần thể sóc bay, một quần thể khác ở ngoại ô Perth và một quần thể thằn lằn ở Canberra. Những con chồn túi bây giờ cũng không thể đến gần thành thị Australia được nữa.
Thống kê của các nhà khoa học nước này cho thấy trong số 186 động vật bị mèo nhà giết chết mỗi năm, có 110 động vật bản địa, trong đó có 40 loài bò sát, 38 loài chim và 32 động vật có vú.
Australia không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với mối đe dọa sinh thái từ mèo nhà. Một nghiên cứu năm 2021 tại Trung Quốc cho thấy hơn 65 triệu con mèo thành thị ở nước này cũng đang tàn sát gần 5 tỷ động vật không xương sống mỗi năm.
Mèo thành thị được quy trách nhiệm cho cái chết của hơn 3,5 tỷ con cá, 3,8 tỷ động vật lưỡng cư, 4,3 tỷ cá thể bò sát, 5,5 tỷ chim các loại và gần 10 tỷ động vật có vú mỗi năm ở Trung Quốc.
Tại Mỹ, người ta ước tính có khoảng 60 triệu con mèo nhà và 80 triệu cá thể mèo hoang dã. Khoảng 70% người nuôi mèo thả rông chúng khiến lúc nào tại Mỹ cũng có hơn 100 triệu con mèo sẵn sàng đi săn.
Hệ quả là mèo đang giết chết 3,7 tỷ con chim mỗi năm ở quốc gia này, cộng thêm 15 tỷ động vật có vú khác. Trung bình, mỗi năm có khoảng 22 tỷ động vật các loại nằm trong thực đơn của mèo Mỹ.
Để có cái nhìn sâu sắc nhất về cú nghiến răng của mèo vào hệ sinh thái trên Trái Đất, Christopher Lepczyk, một nhà tự nhiên học tại Đại học Auburn đã dành ra hơn 20 năm để tổng hợp tất cả những nghiên cứu đề cập đến những gì mà mèo đã ăn trên toàn thế giới.
Mục đích của Lepczyk là xây dựng một cơ sở dữ liệu tương tự như "thực đơn của loài mèo". Từ đó, các nhà khoa học khác có thể biết được chúng đang ăn gì, ở đâu, loài nào đang bị mèo đe dọa đến tuyệt chủng và từ đó có kế hoạch để bảo tồn chúng.
"Nghiên cứu của tôi không thuộc loại khoa học tên lửa. Nhưng tôi nghĩ nó là cần thiết", Lepczyk nói.
Đăng trên tạp chí Nature Communications tuần này, bài báo của Lepczyk đã quét qua hàng trăm nghiên cứu, luận án tiến sĩ, báo cáo của chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và các khảo sát người nuôi mèo trên thế giới.
Trong đó, họ đã xét nghiệm phân mèo, chất nôn, thi thể động vật mà mèo tha về nhà để tìm kiếm DNA và xác định chính xác những nạn nhân của chúng. Kết quả cho thấy mèo đang ăn thịt 981 loài chim (gần 10% tổng số chim trên Trái Đất), 463 loài bò sát, 431 động vật có vú, 119 côn trùng, 57 loài lưỡng cư, và 33 loài sinh vật khác như nhện và cua.
Hầu hết các sinh vật mà mèo ăn đều có khối lượng cơ thể trưởng thành dưới 5 kg, nghĩa là chúng có kích thước tương đương hoặc nhỏ hơn mèo. Thế nhưng đôi khi, các nhà khoa học vẫn tìm thấy DNA của các loài động vật lớn hơn như thỏ, sóc hoặc chuột nang trong dạ dày chúng.
Bằng chứng từ camera đeo trên cổ mèo cũng xác nhận chúng có thể hạ gục những con thỏ lớn hơn mình. Trong một số trường hợp, DNA của bò và cả con người đã được tìm thấy, gợi ý lũ mèo có thể còn ăn cả xác thối.
Điều đáng nói là trong số 2.084 loài động vật được xác định chắc chắn là thức ăn của mèo, Lepczyk tìm thấy 347 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng. Ông xác định được 11 loài động vật từng là thức ăn của mèo nhưng bây giờ không còn nữa, chỉ bởi vì chúng đã biến mất vĩnh viễn trên Trái Đất.
Và tất cả những con số này vẫn sẽ còn tiếp tục tăng lên.
"Chúng tôi đã có được một tấm ảnh chụp thoáng qua về thực đơn của những con mèo, những gì mà chúng đang ăn. Nhưng thực đơn đó chưa đầy đủ và số lượng vẫn còn đang tăng lên chứ không hề chững lại", Lepczyk cho biết.
Trước đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Georgetown cho thấy mèo đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới sự tuyệt chủng của 63 loài động vật có xương sống. Từ góc độ sinh học bảo tồn, giáo sư Peter Marra, tác giả nghiên cứu cho biết điều đó rất đáng lo ngại.
"Mỗi loài trong số chúng ta đều là những sợi chỉ mỏng manh trên tấm thảm là Trái đất. Mỗi khi chúng ta mất đi một loài hoặc có một quần thể bị ảnh hưởng, tính toàn vẹn của tấm thảm đó sẽ bị tổn hại", Marra nói.
Không thể phủ nhận một thực tế, chính tự nhiên đã tạo ra loài mèo như một cỗ máy giết chóc chuyên nghiệp. Sở hữu đôi mắt lớn cùng với tầm nhìn cực kỳ sắc nét cho phép chúng thấy rõ con mồi trong đêm, ngay cả khi chúng di chuyển từ xa.
Móng vuốt sắc bén là vũ khí chủ chốt trong cuộc đi săn của mèo. Cấu trúc móng giúp chúng chộp bắt và giữ chặt con mồi một cách hiệu quả. Khả năng nhảy cao và nhảy xa cũng là một đặc tính tuyệt vời giúp mèo tiếp cận con mồi nhanh chóng.
Mặc dù mèo không chạy nhanh bằng nhiều loài thú như chó đồng cỏ, chúng vẫn có thể chộp được những con thỏ nhờ khả năng tăng tốc nhanh trong thời gian ngắn. Khả năng di chuyển yên lặng cũng là một trong những phẩm chất giúp mèo trở thành kẻ săn mồi tinh ranh.
Bạn có thể thấy chúng không tạo ra tiếng động lớn khi di chuyển, nhờ vào bộ xương linh hoạt và bàn chân cực kỳ nhạy bén. Kỹ năng này giúp chúng tiếp cận mục tiêu một cách không ngờ tới, tạo cơ hội tấn công mà không bị phát hiện.
Bất chấp những điều đó, mèo không thể trở thành một cỗ máy sát thủ trên quy mô hành tinh nếu chúng không được bảo kê... bởi loài người.
Một con mèo nhà bị bắt gặp khi đang rình rập một con chim bồ câu. Với kỹ năng săn mồi tuyệt đỉnh, con mèo có thể tiếp cận con bồ câu mà không gây ra tiếng động.
Quay trở lại hơn 9.000 năm trước, mèo và người đã chia sẻ những không gian sống riêng biệt. Con người khi đó vẫn kiếm sống chủ yếu bằng việc săn bắn và hái lượm trên bình nguyên. Trong khi mèo chỉ lẩn trốn trong rừng, luôn phải đối mặt với những kẻ thù tự nhiên của chúng như đại bàng, sói và gấu mèo.
Dân số của cả loài người và loài mèo đều bị thiên địch tự nhiên khống chế. Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi con người phát minh ra nông nghiệp. Việc chuyển từ xã hội hái lượm sang trồng trọt hiệu quả đã giúp loài người có dư thừa lương thực.
Khi tổ tiên chúng ta bắt đầu tích trữ ngũ cốc như gạo, lúa mì và ngô trong các nhà kho của mình, những nhà kho này bắt đầu thu hút một vị khách không mời là chuột. Dân số chuột tăng lên bên cạnh con người lại thu hút lũ mèo đến để săn chúng.
Khi con người thấy mèo có khả năng bắt chuột, loài gặm nhấm phá hoại mùa màng và thường xuyên đến đánh cắp ngũ cốc của họ, họ bắt đầu nghĩ rằng mình nên nuôi mèo bên mình. Thế là mèo đã trở thành đồng minh của loài người kể từ đó.
Sống bên cạnh loài người, mèo không những được cho ăn, mà còn được bảo vệ khỏi mọi thiên địch. Đại bàng, soí và gấu mèo về cơ bản luôn tránh xa loài người, những con khỉ lớn nằm trên đỉnh chuỗi thức ăn và sẵn sàng hạ mọi loài săn mồi bén mảng đến gần khu vực sống của họ.
Kể từ đó, mèo đã được con người ưu ái mang theo trong mọi chuyến hành trình của mình. Chúng cũng xuất hiện trên các con thuyền thám hiểm xuyên đại dương, được cho ăn cá khi giúp con người bắt chuột để bảo vệ kho lương thực.
Mèo bây giờ đã có mặt ở cả 6 lục địa, bao gồm cả Australia, một lục địa mà trong hàng triệu năm, các loài động vật ở đây đã không tiến hóa để chuẩn bị cho sự xuất hiện của một loài săn mồi hoàn hảo như mèo.
Các loài gặm nhấm và chim nhỏ ở đây không có cơ chế phòng thủ hoặc chạy thoát móng vuốt và răng nanh của mèo. Vì vậy, hệ sinh thái của Australia trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương khi loài mèo được đem tới đây.
Mèo hoang dã đã đáng sợ, mèo nuôi thậm chí còn đáng sợ hơn thế. Bằng hoạt động nuôi dưỡng mèo làm thú cưng, con người đang làm gián đoạn những cơ chế điều chỉnh tự nhiên của chuỗi thức ăn.
Trong chuỗi thức ăn ngoài tự nhiên, khi những kẻ săn mồi đi săn và tiêu diệt gần hết quần thể con mồi phía dưới đang nuôi dưỡng chúng, loài đi săn sẽ bị đói và chúng chết bớt để giảm dân số.
Những loài bị săn sau đó sẽ có khoảng thời gian để tái tạo lại quần thể. Và khi quần thể con mồi tăng trở lại, tạo ra lượng thức ăn đủ thì quần thể động vật săn mồi phía trên mới lại phát triển.
Nói một cách đơn giản, khi mèo hoang săn hết chuột, dân số chuột giảm sẽ khiến dân số mèo giảm. Dân số mèo giảm sẽ giúp chuột gia tăng sinh sản sau đó. Dân số chuột tăng lên thì mèo mới có đủ thức ăn để tăng dân số trở lại.
Thế nhưng, việc loài người đang nuôi mèo bằng thức ăn công nghiệp đang làm gián đoạn sự điều chỉnh tự nhiên đó. Cứ khi nào bị đói, lũ mèo biết chúng có thể dựa vào thức ăn của con người. Kết quả là một con mèo nhà có thể sống từ 15-20 năm để tận diệt quần thể các loài sinh vật nhỏ xung quanh nó.
Câu chuyện ở chiều ngược lại, đáng tiếc, không hề đúng.
Nhiều người nuôi mèo nghĩ rằng họ có thể cho mèo của mình ăn no, thêm thịt vào chế độ ăn của chúng để mèo bớt đi ra ngoài và giết chóc. Thế nhưng, các nghiên cứu theo dõi hành vi của mèo cho thấy ngay cả khi đó, mèo vẫn săn mồi như một thú vui. Chúng không thể ngừng sử dụng bản năng sát thủ của mình.
Vậy giải pháp là gì?
Lepczyk cho biết cách duy nhất để giải quyết vấn nạn mèo lúc này là quản lý chúng một cách chặt chẽ. Để ngăn mèo giết chóc, chúng ta phải nhốt chúng 24/7 trong nhà. Nhiều người nghĩ rằng việc thiến mèo hoặc đeo chuông cho mèo sẽ giúp bảo vệ những con mồi tiềm năng của chúng.
Thế nhưng, một lần nữa, không có bằng chứng từ nghiên cứu nào ủng hộ những ý tưởng đó. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy chỉ một con mèo thiến đơn độc cũng có thể thảm sát và hủy hoại cả một hệ sinh thái mòng biển ở khu bảo tồn chim Mandurah, Australia.
Một số người nuôi mèo sẽ đấu tranh cho quyền lợi thú cưng của mình, lập luận rằng mèo cũng cần được có tự do để được hạnh phúc. Thế nhưng, Lepczyk cho biết tự do của mèo đồng nghĩa với việc hơn 2.000 sinh vật khác sẽ có nguy cơ bị giết hại.
Để thỏa hiệp thì những người nuôi mèo có thể để thú cưng của mình được tự do trong khuôn khổ, chẳng hạn như xây dựng những khu vui chơi khép kín (catio) cho mèo ngoài sân vườn hoặc ngay trong nhà mình. Xích mèo và dắt chúng đi dạo ngoài công viên giống như chó cũng là một cách khác để kiểm soát hành vi của chúng.
Trong khi việc nhốt mèo trong nhà có thể bảo vệ những loài sinh vật khác, các nhà động vật học nói rằng bản thân con mèo đó cũng sẽ được bảo vệ. Nhốt mèo có nghĩa là mèo nhà bạn sẽ không cần triệt sản, không cần thiến để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Ngoài ra, những con mèo được thả ra bên ngoài thường có xu hướng đánh nhau với những con mèo khác, ngay cả khi chúng không phải là loài động vật hiếu chiến. Mèo đi lang thang ngoài đường cũng rất dễ bị xe đâm. Vì vậy, giữ mèo trong nhà sẽ tốt hơn cho chúng.
Theo Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ, khi được nhốt trong nhà, một con mèo có thể sống lâu hơn gấp bốn lần so với những con được phép tự do đi lang thang. Lợi ích đối với con người cũng được tính toán đến.
Bằng cách nhốt mèo trong nhà, bạn sẽ giúp chúng giảm được tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm, bao gồm một số bệnh có thể lây nhiễm sang cho bạn. Ví dụ, con người cũng có thể mắc bệnh toxoplasmosis từ mèo.
Ký sinh trùng này có thể nhiễm sang con người, làm tăng tỷ lệ sảy thai và dị tật bẩm sinh cho phụ nữ mang thai, tăng lỷ lệ tử vong ở người suy giảm miễn dịch và thậm chí khiến một số người nuôi mèo mắc bệnh tâm thần.
Vì vậy, khi cân nhắc đến lợi hại của việc nuôi mèo, chúng ta cần hiểu rằng mình không chỉ đang nuôi một sinh vật lông lá sở hữu đôi mắt tròn đáng yêu và thi thoảng cọ vào chân mình một cách vô hại. Đối với ít nhất hơn 2.000 loài động vật khác ngoài tự nhiên, mèo là một cỗ máy sát thủ, được bảo kê bởi con người và có thể khiến cả giống loài chúng bị tuyệt chủng.
Tham khảo Theguadian, NPR, Theconversation...